Khi có giấy phép lái xe (GPLX) bạn mới chỉ được pháp luật chấp nhận, khi bạn lái xe thuần thục lúc đó mới được xã hội thừa nhận.
Có rất nhiều tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra do: đạp nhầm chân ga, thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống hoặc sử dụng rượu bia, ma túy… Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin được nói lên quan điểm của mình về nguyên nhân tai nạn là do đạp nhầm chân ga và thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống.
Hai nguyên nhân trên đều là nguyên nhân chủ quan từ người lái, có nghĩa là kỹ năng lái và kỹ năng phán đoán tình huống sắp xảy ra của bạn thật sự chưa đủ tốt (thường là do người lái mới có giấy phép).
Khi học nghề may, nếu học không tới nơi, cùng lắm thì chiếc áo bạn may không được đẹp, nó chẳng ảnh hưởng đến ai. Nhưng khi bạn học lái xe, nếu bạn học không tới nơi, tự lái xe lưu thông trên đường, đôi khi sẽ trở thành thảm họa cho xã hội.
Chất lượng tay lái của người học sau khi đã có GPLX, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: chất lượng đào tạo, năng khiếu bản thân, độ tuổi, giới tính, trình độ nhận thức.
Dư luận xã hội cho rằng nguyên nhân của những tai nạn giao thông phần lớn là do “chất lượng đào tạo” yếu kém, tôi thiết nghĩ nó chỉ đúng một phần. Quan trọng nhất vẫn là ở bản thân người học lái xe. Bạn (những người mới có giấy phép lái xe) luôn hiểu và biết rõ kỹ năng lái xe của mình đang ở “tầm” nào, có đủ tự tin để điều khiển xe lưu thông trên đường hay chưa.
Khi học lái xe, dự thi sát hạch có kết quả “Đạt”, tại thời điểm này bạn chỉ mới được pháp luật thừa nhận. Còn muốn để được xã hội thừa nhận, theo tôi bạn cần phải luyện tập nhiều hơn nữa (dĩ nhiên là phải lái bằng xe tập lái và có giáo viên kèm…) đến khi nào thật tự tin, có một tay lái vững vàng thì hãy tự lái xe lưu thông trên đường. Lúc đó bạn sẽ được xã hội thừa nhận.
Làm thế nào để điều khiển một chiếc xe lăn bánh – đó là kỹ thuật. Nhưng để điều khiển chiếc xe đó lăn bánh như thế nào – đó chính là nghệ thuật.
Chúc bạn lái xe an toàn!